Giới trẻ nên chọn thất nghiệp hay làm việc trái ngành?
Có lúc mình nghĩ, làm trái ngành trái nghề thì chẳng khác nào việc đem công sức 4 năm học đại học đi bỏ biển hết hay sao. Nhưng rồi nghĩ kỹ thì không phải vậy, những kiến thức,
Phù!!! Tôi thở dài. Và thế là tôi đã thoát cái kiếp phải vác sách vở tới trường. Bây giờ đã có việc làm. Tôi cảm thấy may mắn hơn 15,000 cử nhân thất nghiệp ngoài kia. Nhưng, ôi không, đó không phải nghề nghiệp như 4 năm đại học tôi đã từng mong đợi hoặc tưởng tượng ra. Giờ đây, tôi đang phải làm việc trái ngành. Hụt hẫng có, sợ có, băn khoăn có.
Làm việc trái ngành trái nghề có lẽ cũng chính là một nỗi sợ ở cái tuổi chênh vênh này, 22 tuổi, vừa ra trường, đứng trước ngưỡng cửa tương lai đó hẳn là mỗi người đều có không ít những câu hỏi băn khoăn như vậy.
Tâm sự về làm việc trái ngành trái nghề
Với tôi, học một chuyên ngành ở một trường Đại học và ra trường có một công việc theo đúng ngành nghề mà mình đã học vẫn còn là một điều xa vời. Có lẽ lý do là tôi hiểu được rằng với một xã hội như bây giờ, việc trái ngành trái nghề không còn là một điều quá xa lạ. Một người cũng có thể làm nhiều nhiệm vụ một lúc, điều đó không có gì là mới. Ấy vậy mà tôi vẫn băn khoăn và lênh đênh trong một mớ bòng bong những kỹ năng và kiến thức mình đã thu nhặt được trong từng đó năm đại học.
Đối với một đứa học ngoại ngữ như mình thì việc định hướng nghề nghiệp có thể hơi khác so với các bạn khác. Từ năm nhất mình đã nhận ra lợi thế của ngoại ngữ chính là cơ hội xây dựng mối quan hệ đặc biệt trong các môi trường làm việc quốc tế. Biết vậy nên tôi có gắng thúc mình năng động hơn trong chính môi trường đó. Tham gia vào các chương trình tình nguyện đặc biệt là các chương trình có người nước ngoài, vừa tạo cơ hội cho bản thân luyện tiếng Anh lại làm giúp phát triển và trau dồi kỹ năng mềm.
Nguyên nhân làm việc trái ngành trái nghề
Bản thân tham gia khá nhiều chương trình với các vị trí khác nhau từ truyền thông, PR đến hỗ trợ event, viết bài, marketing… nên mình hiểu được rằng sở thích và khả năng không phụ thuộc vào môn ngành mà mình theo học.
Quãng thời gian học tập cấp 3 và thi chuyển cấp khá khó khăn và căng thẳng với nhiều người, chính những căng thẳng này đã vô tình đánh mất đi sự chín chắn của một đứa trẻ chuẩn bị bước vào đời. Khái niệm định hướng nghề nghiệp tương lai là một cái gì đó quá mới mẻ đối với một học sinh cấp 3 như mình trong thời điểm đó, những gì xã hội cần trong vòng 4, 5 năm nữa, những gì mình mong muốn được trải nghiệm hay sở thích của bản thân dường như còn xa lạ và không quan trọng bằng các môn thi theo ngành.
Một khoảng thời gian nữa có lẽ cũng là vỡ mộng đối với mình khi bản thân nhận ra rằng những gì mình nghĩ không như bản thân vẫn tưởng tượng. Tham gia các công việc tình nguyện hay các khóa thực tập ở các vị trí khác nhau cho mình cơ hội tiếp xúc với các công việc thực tế nhiều hơn và mình vỡ mộng khi nó không như thực tế, cũng có khi là ngạc nhiên vì nó thú vị và khác xa những gì mình lầm tưởng.
Nói tóm lại thì việc định hướng ngày nay có lẽ không quen thuộc và chính điều đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng làm việc trái ngành trái nghề như bây giờ.
Và một thực trạng nữa chính là sự dễ dãi khi rơi vào tình trạng “thất nghiệp” và “thất học”. Hai cụm từ “nóng bỏng” này đẩy con người ta vào sự phó mặc, và rồi việc gì cũng có thể làm, dù là trái ngành hay trái nghề.
Có lúc mình nghĩ, làm trái ngành trái nghề thì chẳng khác nào việc đem công sức 4 năm học đại học đi bỏ biển hết hay sao. Nhưng rồi nghĩ kỹ thì không phải vậy, những kiến thức, kỹ năng và mối quan hệ mình có được trong 4 năm này không gì có thể so sánh được, quan trọng là cách mà chúng ta sử dụng và học hỏi từ nó ra sao mà thôi.
Vì vậy hãy cứ tự tin nhé, không phải vì trái ngành trái nghề đâu, mà là vì sự linh hoạt và niềm tin đó.
Leave a Reply