Áp lực có phải là động lực giúp bạn thành công?
Các em ơi, áp lực sẽ không bao giờ trở thành động lực. Hay ít ra rằng nó sẽ không bao giờ là động lực đường dài và tích cực. Nó như liều thuốc có độc, giúp một người khoẻ hơn
MỘT
Một trong những điều tôi thường thấy nhất trong các ca tư vấn hướng nghiệp đường dài của mình là thói quen so sánh của các em. Dù tôi hỏi kiểu nào đi nữa, câu trả lời từ từ cũng quay về sự so sánh:
– Em sợ lắm cô. Cứ mỗi lần nhìn các anh chị lớp trên là em lại sợ vì mình không bằng một góc họ. Vì sao họ có thể vừa học giỏi, vừa làm lãnh đạo câu lạc bộ, vừa đi làm bên ngoài, mà vẫn có thời gian cho người yêu?
– Em sợ là mình sẽ không có được việc làm trong tương lai cô ạ. Nhìn các bạn học say sưa và hiểu từng lời thầy cô giảng, còn mình nghe như vịt nghe sấm, em lại hoảng lên và không tập trung được.
HAI
Điều làm tôi lo lắng hơn đó là các em thường tự an ủi rằng áp lực trên tạo động lực cho bản thân học tốt hơn, làm tốt hơn. Để rồi khi tôi hỏi sâu hơn , câu trả lời sẽ là:
– Dạ, sau khi so sánh với người khác xong, em thường xuyên thấy nản lòng.
– Có những lúc em nghĩ rằng cố gắng mấy cũng thua người ta, nên em bỏ cuộc luôn.
– Em thấy mất tự tin hẳn cô ơi.
BA
Đi ngược dòng thời gian, tôi thấy thói quen so sánh của các em sinh viên mình đến từ những ngày còn rất nhỏ, khi cha mẹ hay kể cho họ nghe về ‘con nhà người ta,’ với mục tiêu mong con mình giỏi hơn, tốt hơn, mà không hiểu rằng kết quả có khi ngược lại, và những ảnh hưởng phụ tiêu cực của hành động này có khi kéo dài suốt của cuộc đời các em. Và hình như, nói hình như vì chưa đủ số liệu chứng minh, tôi thấy thói quen này xảy ra nhiều hơn ở các bạn trường chuyên thì phải.
Thói quen so sánh bản thân với người khác để vượt lên trên, để khẳng định mình, để được công nhận lại tiếp tục trong môi trường giáo dục. Việc xếp hạng học sinh, phân loại lớp chọn lớp thường, tổ chức những cuộc thi học sinh giỏi từ tỉnh lên quốc gia. Tất cả những điều ấy gieo vào các bạn trẻ niềm tin rằng giá trị của mình dựa trên thứ hạng của mình.
Sẽ không khó để thấy kết quả là học sinh chúng ta giỏi làm việc riêng rẻ hơn hợp tác với nhau. Thói quen so sánh điểm yếu của mình với điểm mạnh của người khác làm bản thân mất tự tin. Buồn hơn nữa là các em ghen ghét người giỏi hơn mình nhiều hơn là công nhận và học hỏi từ họ.
BỐN
Phải mất rất lâu, qua nhiều lần tư vấn, có khi kéo dài năm này qua năm khác, sinh viên mới quay lại chia sẻ với tôi rằng:
– Em hiểu rồi cô. Em không nhìn xung quanh nữa. Em so sánh mình với mình của ngày hôm qua, và sau đó em tự công nhận mình để tiếp tục cố gắng.
– À, cô ơi em hiểu rồi, nhưng từ hiểu đến làm khó lắm cô ơi.
– Em làm được một thời gian rồi lại quay trở lại thói quen cũ. Phải gần như nhắc nhở mình mỗi ngày, cô ạ.
Hiểu được vấn đề là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Sau đó sẽ là khó khăn đưa sự hiểu biết vào trong thực hành. Khó biết bao khi cha mẹ tiếp tục hỏi, ‘Con đi làm ở đâu? Công ty có nổi tiếng không? Lương bao nhiêu một tháng?’ Để rồi sau đó thêm những câu, ‘Sao con không thử nộp đơn vào công ty nọ? Con của sếp mẹ mới vào đó, lương cao lắm?’
KẾT
Các em ơi, áp lực sẽ không bao giờ trở thành động lực. Hay ít ra rằng nó sẽ không bao giờ là động lực đường dài và tích cực. Nó như liều thuốc có độc, giúp một người khoẻ hơn trong một thời gian ngắn rồi sau đó tàn phá cơ thể họ suốt phần đời còn lại. Nó như ngụm nước biển cho người lữ hành trên biển, uống cho đỡ khát, rồi sau đó làm cơ thể mất nước trầm trọng hơn.
Hãy thay đổi thói quen so sánh mình với con nhà người ta bằng cách so sánh mình với mình của ngày hôm qua. Và khi thấy sự tiến bộ, dù nhỏ dù lớn, phải tập tự khen mình, tự thưởng mình thay vì mong đợi sự khen thưởng từ người khác.
Hãy từ từ tìm hiểu những điểm mạnh của mình để tiếp tục phát triển. Đồng thời nhận biết những điểm yếu của mình để từ từ hoàn thiện. Đừng tập trung vào phần sau mà bỏ quên phần đầu vì nếu không phát triển điểm mạnh của mình, em lấy đâu ra sự tự tin, sức khoẻ, và thời gian hoàn thiện điểm yếu của em đây. Hãy tập thật lòng với người khác về cái hay, cái dở của mình cũng như sẵn lòng công nhận điều hay, điểm dở của họ. Hãy ở gần những người bạn đang muốn bỏ đi sự so sánh giống mình, cùng nhau học hỏi, cùng nhau yêu thương bản thân, và cùng nhau lớn lên từng ngày – so với ngày hôm qua.
Rồi một ngày động lực sẽ đến từ trái tim em, sẽ làm em hạnh phúc, nhẹ nhàng, em nhé.
Sài Gòn – Việt Nam
Leave a Reply