Học cách trưởng thành để thành công trong sự nghiệp

Tôi từng là người phản đối kịch liệt việc đánh giá năng lực của người khác qua tuổi tác và thâm niên. Tôi tin rằng người trẻ cũng cần được coi trọng như người lớn và tuổi tác

Có bao giờ bạn tự hỏi: “” có nghĩa là gì?

Đôi khi nhìn vào gương, tôi tự hỏi mình đang ở đâu trên quãng đường đời này. Nếu cuộc đời là một bộ phim dài tập, tôi hiện đang ở tập thứ mấy? Nếu sau này có người viết tiểu sử về tôi, họ sẽ viết giai đoạn này ở chương thứ mấy? Ở tuổi 27, tôi đã đi được bao nhiêu phần của cuộc đời?

Đôi khi nhìn vào gương, tôi thấy tôi vẫn là tôi của tuổi 17. Vẫn cái nét cười nhí nhảnh, vẫn đôi mắt bé, cặp kính cận, và chiếc mũi nhọn đặc trưng. Có những buổi sáng vội vã ra khỏi nhà đi làm, tôi sượt qua tấm gương lớn trong phòng ngủ và giật mình quay lại nhìn: áo vest, quần tây, giày cao gót, trang điểm.”Lớn thật rồi!”—tôi nghĩ. Sửa lại mấy lọn tóc “bò liếm” trên trán, tôi chun mũi, nhe răng, nhún nhảy —”Còn lâu mới lớn!”—tôi mỉm cười đắc thắng trước khi bước chân ra khỏi nhà, hoà vào dòng người tấp nập tới công sở.

Nhưng đôi khi, khi không có tấm gương nào xung quanh, tôi lại nhận ra mình già hơn nhiều so với tuổi 27. Cuộc sống một mình ở nước ngoài đã dậy cho tôi phải trưởng thành nhanh để tồn tại. Không còn có bố, có mẹ ở bên để thút thít, tôi là người duy nhất chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Bước ra khỏi vòng tròn bạn bè, gia đình, họ hàng thân thuộc, tôi buộc phải nhìn lại những mối quan hệ thực sự mang lại giá trị tích cực cho cuộc sống của tôi, những người thực sự quan tâm đến tôi, và những ai chỉ có mặt khi tôi mang lại lợi ích cho họ. Nhiều bài học trưởng thành được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, niềm tin, hy vọng… và vô vàn cảm xúc khó diễn tả bằng lời. Trưởng thành khiến tôi điềm tĩnh hơn, khiêm tốn hơn, và nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều.

Nhưng trưởng thành dường như không bao giờ là hoàn hảo. Ngay khi tôi nghĩ mình đã bắt đầu “cầm nắm” được một số triết lý sâu xa của cuộc sống, thực tế lại tát ngay một cú trời giáng để nhắc tôi rằng mình còn rất nhiều điều phải học. Khi tôi tưởng mình đã có thể “qua mặt” bố mẹ để quyết định những vấn đề to tát trong cuộc sống, tôi vẫn tìm thấy mình co ro trong gió tuyết, hốt hoảng gọi về hỏi ý kiến mẹ tôi về những điều tôi không thể tự quyết định—hệt như tôi của nhiều năm trước đó. Khi tôi tưởng mình đã hoàn toàn tự tin với cuộc sống độc lập ở nước ngoài, tôi kết hôn và bắt đầu học lại những nguyên tắc cơ bản nhất. Mỗi ngày qua đi lại mang đến một điều mới để học — học để hiểu cuộc sống và để hiểu chính tôi.

Trưởng thành là gì? Hồi nhỏ, tôi thường nghĩ nhiều về trưởng thành và tự hỏi bao giờ tôi mới bước qua ranh giới để bước vào thế giới “người lớn”. Nhưng ranh giới đó là gì? Như thế nào thì được gọi là trưởng thành? Với tư duy ngây thơ khi đó, tôi ghi nhớ những đặc điểm mà tôi cho là người lớn khác với trẻ con. Thứ nhất là người lớn có vẻ không thích đồ ngọt. Mỗi sáng khi tôi háo hức cắn miếng bánh rán đường đến ngập răng, ba mẹ tôi lại lắc đầu vì buổi sáng của người lớn thường là những món mặn như phở, mỳ, miến, cháo. Thứ hai là người lớn có vẻ không thích truyện tranh. Văn hoá đọc của người lớn phải là sách, báo, truyện hàn lâm, những cái ít hình nhiều chữ. Tôi ghi nhớ, và tôi nghĩ một ngày nào đó khi mình quay lưng với đồ ngọt buổi sáng, bim bim, nước uống có ga, truyện tranh, đồ chơi… để ăn những bữa sáng điềm đạm, nhiều rau xanh, uống cà phê, đọc báo, bàn bạc về sách vở, chính trị… lúc ấy có lẽ tôi đã trưởng thành.

Khoảng hai năm gần đây, tôi nhận ra cơ thể mình không thể chấp nhận đồ ăn, đồ uống có nhiều đường như ngày xưa. Nhiều khi chỉ cần ăn hai cái bánh rán của Mỹ (doughnut) vài buổi sáng thôi là cả ngày tôi thấy mệt mỏi, không có năng lượng làm việc tiếp đến quá trưa. Tướng tự như vậy, những món quá nhiều dầu mỡ, chiên rán—món khoái khẩu của ngày xưa—không mang lại cho tôi nhiều năng lượng tích cực như rau xanh, củ quả, và nước trắng. Không phải là tôi không còn thích bánh ngọt, gà rán, pizza…mà những thứ này tôi chỉ có thể ăn với liệu lượng nhất định, trong những ngày ít phải làm việc tập trung mà thôi. Truyện tranh cũng vậy. Không phải tôi không còn thích truyện tranh nhưng tôi cũng thích sách và truyện chữ nữa. Tôi nhận ra là không phải câu chuyện nào cũng có thể kể bằng hình ảnh, văn viết cho phép con người diễn đạt nhiều hơn, có chiều sâu hơn, và khơi gợi nhiều trí tưởng tượng từ người đọc hơn. Cùng với việc có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống hơn, tôi càng tìm thêm được những điều hữu ích từ sách.

Như vậy, có lẽ trưởng thành không phải là từ bỏ những thứ mình thích hồi “trẻ con” để trở thành “người lớn”, trưởng thành là thay đổi thói quen của bản thân theo cơ thể sinh học và phát triển tư duy tự nhiên của con người. Tất nhiên, vì mỗi người là một cá thể riêng biệt với quá trình phát triển sinh học và trải nghiệm cuộc sống khác nhau, không ai là giống ai trong giai đoạn trưởng thành. Bài học lớn nhất tôi nhận ra từ bản thân là không ai có thể (và cũng không ai có quyền) ép người khác phải làm thế này, thể khác để “lớn lên”. Hãy để trẻ con được là trẻ con, để người lớn được là người lớn, và để những người trẻ tuổi nhưng già dặn, những người lớn tuổi nhưng trẻ trung được là chính họ. Thời gian và trải nghiệm của là hai yếu tố duy nhất tạo ra sự thay đổi của con người.

Điều đáng sợ nhất của trưởng thành có lẽ là nhận ra thế giới không có đúng hay sai, không có trắng hay đen, không có người hoàn toàn xấu hay hoàn toàn tốt (như trong truyện tranh hay phim ảnh). Tất cả đều đan xen, hoà quyện, khó có thể tách ra rõ ràng phải-trái.

Khi mới lớn, tôi có cái nhìn khá cứng nhắc về con người, nếu ai đó làm một (và chỉ một!) hành động mà tôi cho là “xấu”, tôi sẽ từ chối quen biết hoặc tìm hiểu thêm về người đó. Nhưng khi ra đời và va chạm nhiều hơn, tôi nhận ra rằng ai cũng có vấn đề riêng, có những điều thầm kín, những lý do sâu xa buộc người ta phải đưa ra những quyết định không lấy gì làm tự hào—nhưng đó không có nghĩa là người đó là hoàn toàn xấu. Cũng có nhiều khi, dưới áp lực cuộc sống, ở một thời điểm bộc phát, chính bản thân tôi cũng có những câu nói, những hành xử không dễ chịu đối với người khác, điều này liệu có khiến tôi trở thành người xấu?

Khi mới lớn, tôi thường cảm thấy ngột ngạt với việc hàng ngày đối mặt với những bon chen, lươn lẹo, tủn mủn, và những người thô lỗ, gia trưởng, tiêu cực. Tôi từng nghĩ nếu mình đi đến một xã hội phát triển và quen với những người có học thức cao, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Xã hội nào cũng có vấn đề riêng của nó, ở những hình thái khác nhau, và những mức độ khác nhau, ở đâu cũng có bất công, bon chen, và tiêu cực. Khi sống trong môi trường học thuật ở Mỹ, bao quanh là những người có đủ các loại bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ, tôi mới nhận ra rằng bằng cấp thực sự không nói lên lòng tốt của con người. Tôi từng bắt gặp một số người dành cả đời để nghiên cứu về bình đẳng xã hội nhưng ở ngoài đời lại tỏ về bề trên và dùng quyền lực để ép người yếu thế hơn phục vụ mình. Trong khi đó, tôi cũng gặp những người không có nhiều bằng cấp nhưng rất am hiểu hành xử trong xã hội và luôn tốt với mọi người xung quanh.

Giữa một mớ hỗn độn đen trắng, đúng sai, tìm đâu ra người nào, nơi đâu là chân, thiện, mỹ? Đó có lẽ là điều khó nhất của trưởng thành.

Điều tuyệt vời nhất của trường thành là mỗi ngày lại thấy mình lớn thêm một chút. Khi còn nhỏ, tôi thường nghe “người lớn” than thở vào mỗi dịp sinh nhật: “Ôi, lại một tuổi mới qua, ngày một già đi” và nghĩ “già đi” là một điều gì đó thật kinh khủng. Nhưng càng trưởng thành, tôi càng biết ơn những trải nghiệm đã qua của mình — những điều khiến tôi hiểu biết hơn, tự tin hơn, sáng suốt hơn. Tất nhiên, sẽ có những năm tháng vô cùng khó khăn mà tôi không muốn nhớ lại, hay những dấu vết thời gian mà tôi không có cách nào xoá bỏ đi được. Nhưng tất cả những điều này đều là một phần của trải nghiệm, một phần của những gì giúp tôi nhận ra đúng-sai, trắng-đen, tốt-xấu trong xã hội, một phần của những gì giúp tôi đối mặt với những điều đáng sợ của thời kỳ trưởng thành.

Tôi từng là người phản đối kịch liệt việc đánh giá năng lực của người khác qua tuổi tác và thâm niên. Tôi tin rằng người trẻ cũng cần được coi trọng như người lớn và tuổi tác không hoàn toàn phản ánh khả năng của con người. Cho đến bây giờ, tôi vẫn tin là như thế. Tuy nhiên, cách nhìn của tôi về những người đi trước đã khác đi nhiều. Tôi nhận ra rằng có một số việc trong cuộc sống phải trải qua năm tháng, thăng trầm mới có thể hiểu hết được (ví dụ: đối thoại trong gia đình lớn, xử lý các mối quan hệ công sở…). Người trẻ rất nhanh nhạy và có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng tuổi trẻ cũng không thể tránh được vội vàng, sơ sót — những điều hoàn toàn có thể cân đối lại bằng việc chịu khó lắng nghe, học hỏi các thế hệ đi trước. Quà tặng lớn nhất của việc trưởng thành (ít nhất đối với tôi) là sự khiêm tốn. Càng học nhiều, càng đọc nhiều, càng nghe nhiều, tôi càng nhận ra kiến thức của mình chẳng thấm vào đâu cả, và đó là động lực để tôi học nhiều hơn, đọc nhiều lơn, lắng nghe kỹ hơn.

Ở tuổi 27, tôi nhận ra mình chưa hoàn toàn trưởng thành nhưng cũng không còn “sợ lớn” nữa. Tôi cảm thấy việc vạch rõ ranh giới giữa “trẻ con” và “người lớn” không còn quá quan trọng nữa, điều đáng bận tâm nhất có lẽ là tập trung vào tìm hiểu tôi là ai và phát triển bản thân một cách tự nhiên và tích cực. Oprah từng viết trong cuốn “What I know for sure” (“Những điều tôi biết chắc”) rằng: “Your life’s journey is about becoming more of who you are” (“Hành trình cuộc sống là để trở thành chính mình”). Đây có lẽ là lời khuyên đúng đắn nhất tôi từng đọc được và cá nhân tôi luôn cố gắng sống đúng với lời khuyên này.

Cám ơn tất cả bạn đọc đã trở thành một phần trong hành trình của tôi. Tôi mong mọi người tất cả mọi điều tốt đẹp nhất trong quá trình trưởng thành của mình!

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *